Đề số 7 - Đề thi cuối học kì 1 - Tiếng Việt 3 có lời giải

Xem lời giải và đáp án chi tiết cho đề số 7 đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 3

A. Kiểm tra Đọc

I. Đọc thành tiếng: (6 điểm)

Bài đọc: ..................................................

II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm).

Học sinh đọc thầm bài: "Cậu bé thông minh" SGK Tiếng Việt 3, tập 1, trang 4, 5 và khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng nhất từ câu 1 đến câu 3, làm bài tập câu 4.

CẬU BÉ THÔNG MINH

Ngày xưa, có một ông vua muốn tìm người tài ra giúp nước. Vua hạ lệnh cho mỗi làng trong vùng nọ nộp một con gà trống biết đẻ trứng, nếu không có thì cả làng phải chịu tội.

Được lệnh vua, cả vùng lo sợ. Chỉ có một cậu bé bình tĩnh thưa với cha:

- Cha đưa con lên kinh đô gặp Đức Vua, con sẽ lo được việc này.

Người cha lấy làm lạ, nói với làng. Làng không biết làm thế nào, đành cấp tiền cho hai cha con lên đường.

Đến trước cung vua, cậu bé kêu khóc om sòm. Vua cho gọi vào, hỏi:

- Cậu bé kia, sao dám đến đây làm ầm ĩ?

- Muôn tâu Đức Vua – cậu bé đáp – bố con mới đẻ em bé, bắt con đi xin sữa cho em. Con không xin được, liền bị đuổi đi.

Vua quát:

- Thằng bé này láo, dám đùa với trẫm! Bố ngươi là đàn ông thì đẻ sao được!

Cậu bé bèn đáp:

- Muôn tâu, vậy sao Đức Vua lại ra lệnh cho làng con phải nộp gà trống biết đẻ trứng ạ?

Vua bật cười, thầm khen cậu bé, nhưng vẫn muốn thử tài cậu lần nữa.

Hôm sau, nhà vua cho người đem đến một con chim sẻ nhỏ, bảo cậu bé làm ba mâm cỗ. Cậu bé đưa cho sứ giả một chiếc kim khâu, nói:

- Xin ông về tâu Đức Vua rèn cho tôi chiếc kim này thành một con dao thật sắc để xẻ thịt chim.

Vua biết là đã tìm được người giỏi, bèn trọng thưởng cho cậu bé và gửi cậu vào trường học để luyện thành tài.

(TRUYỆN CỔ VIỆT NAM)

Câu 1. Nhà vua nghĩ ra kế gì để tìm người tài?

A. Vua hạ lệnh cho mỗi làng trong vùng nọ nộp một con gà trống biết đẻ trứng.

B. Vua hạ lệnh cho mỗi làng trong vùng nọ nộp một con gà mái biết đẻ trứng.

C. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 2. Vì sao dân chúng lo sợ khi nghe lệnh của nhà vua?

A. Vì gà mái không đẻ trứng được.

B. Vì gà trống không đẻ trứng được.

C. Vì không tìm được người tài giúp nước.

Câu 3. Trong cuộc thử tài lần sau, cậu bé yêu cầu điều gì?

A. Cậu bé yêu cầu sứ giả về tâu Đức Vua đưa cho một con dao thật sắc để xẻ thịt chim.

B. Cậu bé yêu cầu sứ giả về tâu Đức Vua rèn chiếc kim thành một lưỡi hái thật sắc để xẻ thịt chim.

C. Cậu bé yêu cầu sứ giả về tâu Đức Vua rèn chiếc kim thành một con dao thật sắc để xẻ thịt chim.

Câu 4. Tìm những sự vật được so sánh với nhau trong các câu thơ dưới đây:

A. Hai bàn tay em

Như hoa đầu cành.

............................................................

B. Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.

..........................................................

B. Kiểm tra Viết

I. Viết chính tả: (5 điểm)

Giáo viên đọc cho học sinh viết bài "Người lính dũng cảm" SGK Tiếng Việt 3, tập 1, trang 38 – 39 đoạn từ: "Bắn thêm một loạt đạn...... đến thằng hèn mới chui."

II. Tập làm văn: (5 điểm)

Viết một bức thư ngắn cho bạn hoặc người thân kể về việc học tập của em trong học kỳ 1 vừa qua.

Đáp án

A. Kiểm tra Đọc

Câu 1. A. Vua hạ lệnh cho mỗi làng trong vùng nọ nộp một con gà trống biết đẻ trứng.

Câu 2. B. Vì gà trống không đẻ trứng được.

Câu 3. C. Cậu bé yêu cầu sứ giả về tâu Đức Vua rèn chiếc kim thành một con dao thật sắc để xẻ thịt chim.

Câu 4. A. Hai bàn tay em

Như hoa đầu cành.

Các sự vật được so sánh là: hai bàn tay em và hoa đầu cành

B. Trẻ em như búp trên cành

Các sự vật được so sánh là: trẻ em, búp trên cành

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả (5đ)

- Trình bày đúng, sạch đẹp đạt 5 điểm.

- Sai quá 5 lỗi không tính điểm.

II. Tập làm văn: (5 điểm)

Viết một bức thư ngắn cho bạn hoặc người thân kể về việc học tập của em trong học kỳ 1 vừa qua.

Gợi ý:

   + Em định viết thư gửi ai? (Ví dụ: Viết gửi cho ông nội hoặc bà nội)

   + Dòng đầu thư em sẽ viết thế nào? Em xưng hô như thế nào để thể hiện sự kính trọng và yêu quý? (Ví dụ: ông nội (bà nội) yêu quý của con!)

   + Trong phần nội dung, em sẽ hỏi thăm ông (bà) điều gì, báo tin (kể) cho ông (bà) biết điều gì? (Hỏi thăm sức khỏe ông (bà); kể về kết quả học tập của em; kể cho ông (bà) tin mừng của gia đình em;…)

   + Cuối thư: Em chúc ông (bà) mạnh khoẻ, vui vẻ,…

   + Em hứa cố gắng chăm học, chăm làm,… đế ông (bà) vui. Hứa đến hè về thăm ông (bà)…

* Tinh cảm trong thư phải chân thành, đúng mực, không giả tạo, khách sáo.)


Bình luận