Đề số 6 - Đề kiểm tra cuối học kì 1 - Tiếng Việt 5 có lời giải

Xem lời giải và đáp án chi tiết cho đề số 6 đề kiểm tra cuối học kì 1 Tiếng Việt 5

 

A. Kiểm tra Đọc

I. Đọc thành tiếng (2,0 điểm)

Bài: Những con sếu bằng giấy. Trang 36 (từ Em liền lặng lẽ gấp sếu..... hòa bình)

H: Các bạn nhỏ đã làm gì để tỏ nguyện vọng hòa bình?

Bài: Một chuyên gia máy xúc. Trang 45 (từ chiếc máy xúc.... công trường)

H: Dáng vẻ của A - lếch xây có gì đặc biệt khiến anh Thủy phải chú ý?

Những người bạn tốt. Trang 64 (từ đầu ............. trở về đất liền)

H: Vì sao nghệ sĩ A- ri - ôn phải nhảy xuống biển?

Bài: Cái gì quý nhất? Trang 85 (từ Nghe xong thầy mỉm cười rồi nói........ vô vị mà thôi)

H: Vì sao thầy giáo cho rằng người lao động mới là quý nhất?

Bài: Đất Cà Mau. Trang 89 (từ Cà Mau đất xốp.............thân cây đước)

H: Cây cối trên đất Cà Mau mọc ra sao?

Bài: Chuyện một khu vườn nhỏ - Trang 102 (Đọc từ đầu đến ...không phải là vườn!)

H: Bé Thu thích ra ban công để làm gì?

Bài: Mùa thảo quả - Trang 113 (Đọc từ Sự sống.....hết bài)

H: Khi thảo quả chín rừng có gì đẹp?

Bài: Trồng rừng ngập mặn - Trang128 (từ nhờ phục hồi rừng......... vững chắc đê điều)

H: Nêu tác dụng của việc phục hồi rừng ngập mặn?

Bài: Chuỗi ngọc lam - Trang 134 (Đọc từ đầu đến người anh yêu quý)

H: Tại sao cô bé Gioan lại dốc hết số tiền tiết kiệm để mua tặng chị chuỗi ngọc lam?

Bài: Buôn Chư Lênh đón cô giáo - Trang144 (Đọc từ đầu đến một nhát thật sâu vào cột)

H: Cô giáo Y Hoa đến buôn Chư lênh để làm gì?

Bài: Thầy cúng đi bệnh viện. Trang 158 (Đọc từ Cụ Ún làm nghề thầy cúng……….mới chịu đi)

H: Khi mắc bệnh cụ Ún đã tự chữa bệnh bằng cách nào?

II. Đọc thầm và làm bài tập (8,0 điểm)

KÌ DIỆU RỪNG XANH

      Loanh quanh trong rừng, chúng tôi đi vào một lối đầy nấm dại, một thành phố nấm lúp xúp dưới bóng cây thưa. Những chiếc nấm to bằng cái ấm tích, màu sặc sỡ rực lên. Mỗi chiếc nấm là một lâu đài kiến trúc tân kì. Tôi có cảm giác mình là một người khổng lồ đi lạc vào kinh đô của vương quốc những người tí hon. Đền đài, miếu mạo, cung điện của họ lúp xúp dưới chân.

      Nắng trưa đã rọi xuống đỉnh đầu mà rừng sâu vẫn ẩm lạnh, ánh nắng lọt qua lá trong xanh. Chúng tôi đi đến đâu, rừng rào rào chuyển động đến đấy. Những con vượn bạc má ôm con gọn ghẽ chuyền nhanh như tia chớp. Những con chồn sóc với chùm lông đuôi to đẹp vút qua không kịp đưa mắt nhìn theo.

      Sau một hồi len lách mải miết, rẽ bụi rậm, chúng tôi nhìn thấy một bãi cây khộp. Rừng khộp hiện ra trước mắt chúng tôi, lá úa vàng như cảnh mùa thu. Tôi dụi mắt. Những sắc vàng động đậy. Mấy con mang vàng hệt như màu lá khộp đang ăn cỏ non. Những chiếc chân vàng giẫm trên thảm lá vàng và sắc nắng cũng rực vàng trên lưng nó. Chỉ có mấy vạt cỏ xanh biếc là rực lên giữa cái giang sơn vàng rợi.

      Tôi có cảm giác mình lạc vào một thế giới thần bí.

Theo Nguyễn Phan Hách

Dựa vào nội dung bài đọc khoanh vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng cho mỗi câu hỏi dưới đây:

Câu 1: Tác giả đã miêu tả những sự vật nào của rừng?

A. Nấm rừng, cây rừng, nắng trong rừng, các con thú, màu sắc rừng, âm thanh của rừng.

B. Nấm rừng, cây rừng, đền đài, miếu mạo.

C. Cây rừng, cung điện, miếu mạo.

Câu 2: Tác giả đã miêu tả những chiếc nấm to bằng nào?

A. Cái ấm

B. Cái cốc

C. Cái ấm tích

Câu 3: Rừng khộp hiện ra trước mắt chúng tôi như thế nào?

A. Lá úa vàng như cảnh mùa thu.

B. Có nhiều màu sắc.

C. Như một cung điện.

Câu 4: Bài văn cho em cảm nhận được điều gì?

A. Vẻ đẹp kì thú của rừng.

B. Vẻ yên tĩnh của rừng.

C. Rừng có nhiều muông thú.

Câu 5: Từ nào trái nghĩa với từ “khổng lồ”?

A. Tí hon

B. To

C. To kềnh

Câu 6: Từ “lúp xúp” có nghĩa là gì?

A. Ở xa nhau, thấp như nhau.

B. Ở liền nhau, cao không đều nhau.

C. Ở liền nhau, thấp và sàn sàn như nhau.

Câu 7: Từ “Chúng tôi” thuộc loại từ nào?

A. Động từ

B. Đại từ

C. Danh từ

D. Cụm danh từ

Câu 8: Trong câu: “Đền đài, miếu mạo, cung điện của họ lúp xúp dưới chân”. Có mấy quan hệ từ?

A. Một quan hệ từ

B. Hai quan hệ từ

C. Ba quan hệ từ

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả: (5 điểm)

Giáo viên đọc cho học sinh (nghe viết) bài: “Buôn Chư Lênh đón cô giáo”. Tiếng Việt 5 – Tập 1, trang 144 (Từ Y Hoa lấy trong gùi ra ….đến hết) trong khoảng thời gian 15 phút.

II. Tập làm văn: (5 điểm)

Đề bài: Hãy tả một người thân (ông, bà, cha, mẹ ...) của em hoặc người bạn mà em yêu mến.

Đáp án

A. Kiểm tra Đọc

Câu hỏi 1 2 3 4 5 6 7 8
Đáp án A C A A A C B A

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả (5 điểm)

A. Đánh giá cho điểm chính tả:

- Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng trình bày đúng đoạn văn xuôi: 2,0 điểm

- Mỗi lỗi chính tả trong bài viết (sai - lẫn phụ âm đầu hoặc vần thanh; không viết hoa đúng quy định), trừ 0,25 điểm.

* Lưu ý: nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ hoặc trình bày bẩn,... bị trừ 0,5 điểm toàn bài.

II. Tập làm văn:

- Đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Viết được bài văn tả người đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài đúng các yêu cầu của đề bài.

+ Viết câu đúng ngữ pháp, dùng từ đúng thể loại văn miêu tả.

+ Chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi chính tả. Trình bày bài viết sạch sẽ. Không liệt kê như văn kể chuyện.

Bài mẫu:

       Trong gia đình, ai cũng thương yêu em hết mực, nhưng mẹ là người gần gũi, chăm sóc em nhiều nhất.

       Năm nay, mẹ em bốn mươi tuổi. Với thân hình mảnh mai, thon thả đã tôn thêm vẻ đẹp sang trọng của người mẹ hiền từ. Mái tóc đen óng mượt mà dài ngang lưng được mẹ thắt lên gọn gàng. Đôi mắt mẹ đen láy luôn nhìn em với ánh mắt trìu mến thương yêu. Khuôn mặt mẹ hình trái xoan với làn da trắng. Đôi môi thắm hồng nằm dưới chiếc mũi cao thanh tú càng nhìn càng thấy đẹp. Khi cười, nhìn mẹ tươi như đóa hoa hồng vừa nở ban mai. Đôi bàn tay mẹ rám nắng các ngón tay gầy gầy xương xương vì mẹ phải tảo tần để nuôi nấng, dìu dắt em từ thuở em vừa lọt lòng. Mẹ làm nghề nông nhưng mẹ may và thêu rất đẹp. Đặc biệt mẹ may bộ đồ trông thật duyên dáng, sang trọng. Ở nhà, mẹ là người đảm nhiệm công việc nội trợ. Mẹ dạy cho em các công việc nhẹ nhàng như: quét nhà, gấp quần áo... Còn bố thì giúp mẹ giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Thỉnh thoảng, mẹ mua hoa về chưng ở phòng khách cho đẹp nhà. Mỗi khi khách đến, mẹ luôn đón tiếp niềm nở, nồng hậu, mời khách đĩa trái cây và nước mát. Mẹ luôn dậy sớm để chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà, để hai anh em cùng cắp sách đến trường kịp giờ học. Khi em ốm đau mẹ phải thức suốt đêm để chăm sóc. Mẹ lo thuốc cho em uống kịp thời. Mẹ nấu cháo và bón cho em từng thìa. Tuy công việc đồng áng bận rộn nhưng buổi tối mẹ thường dành khoảng ba mươi phút để giảng bài cho em. Sau đó mẹ chuẩn bị đồ để sáng mai dậy sớm lo buổi sáng cho gia đình. Mẹ rất nhân hậu, hiền từ. Mẹ chưa bao giờ mắng em một lời. Mỗi khi em mắc lỗi, mẹ dịu dàng nhắc nhở em sửa lỗi. Chính vì mẹ âm thầm lặng lẽ dạy cho em những điều hay lẽ phải mà em rất kính phục mẹ. Mẹ em là vậy. Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm! Mỗi khi được mẹ ôm ấp trong vòng tay ấm áp của mẹ, con thấy mình thật hạnh phúc vì có mẹ. Mẹ ơi! Có mẹ, con thấy sướng vui. Có mẹ, con thấy ấm lòng. Trong trái tim con, mẹ là tất cả, mẹ là cô tiên tuyệt vời nhất trong cuộc đời con. Con luôn yêu thương mẹ và tự hào vì được làm con của mẹ.

       Tấm lòng của mẹ bao la như biển cả đối với con và con hiểu rằng không ai thương con hơn mẹ. Ôi, mẹ kính yêu của con! Con yêu mẹ hơn tất cả mọi thứ trên cõi đời này vì mẹ chính là mẹ của con. "Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ...." Con mong sao cho mình mau lớn để có thể giúp cho mẹ đỡ vất vả hơn. Con hứa sẽ chăm học và cố gắng học thật giỏi để báo đáp công ơn sinh thành nuôi nấng con nên người, mẹ ơi.


Bình luận