Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 có đáp án - môn Văn - năm 2020 - 2021 sở GD&ĐT Bình Phước (Đề chính thức)

Xem lời giải và đáp án chi tiết đề thi tuyển sinh vào lớp 10, môn Văn, năm 2020 - 2021 sở GD&ĐT Bình Phước (đề chính thức)

Sở GD&ĐT Bình Phước

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10

NĂM HỌC: 2020 - 2021

Môn: Ngữ Văn

Câu 1: (2,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi bên dưới.

Con bé thấy lạ quá, nó chớp mắt nhìn tôi như muốn hỏi đó là ai, mặt nó bông tái đi, rồi vụt chạy và kêu thé lên "Má! Má!. Còn anh! anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy"

(Ngữ văn 9 tập 1)

a. Đoạn trích trên được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?

b. Nêu ngắn gọn nội dung của đoạn trích trên?

c. Tìm cầu văn có khởi ngữ trong đoạn trích trên? Chỉ ra đầu là khởi ngữ trong câu văn đó? Nêu tác dụng của khởi ngũ vừa tìm được?

Câu 2: (2,0 điểm) Em hãy viết một bài văn nghị luận ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) để thấy được tinh thần chống COVID-19 của nước ta trong thời gian qua.

Câu 3: (6,0 điểm) Em hãy phân tích hai khổ thơ sau trong bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ " của Thanh Hải.

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.

(Trích "Mùa xuân nho nhỏ " - Thanh Hải)

 

Đáp án 

Câu 1:

a. đoạn trích trên trích từ Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

b. Nội dung đoạn trích: sự ngạc nhiên, sợ hãi của bé Thu khi gặp lại ba nó và sự tổn thương của anh Sáu khi con không nhận ra mình.

c. khởi ngữ: còn anh

tác dụng: nhấn mạnh vào tâm trạng anh Sáu.

Câu 2:

Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào các gợi ý sau

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tinh thần chống Covid 19

2. Thân bài

a. Giải thích

tinh thần chống Covid là sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân cùng chống chọi lại dịch bệnh để không ai bị bỏ lại phía sau. → Đức tính tốt đẹp của dân tộc.

b. Phân tích

Dịch Covid mang đến nhiều tổn thất cho con người.

Chiến đấu chống Covid để đưa cuộc sống của chúng ta trở lại bình thường

c. Chứng minh

Học sinh lấy dẫn chứng tiêu biểu minh chứng cho lập luận của mình.

d. Phản biện

Vẫn còn nhiều quốc gia, lãnh thổ coi thường sự nguy hiểm của Covid.

3. Kết bài

Khẳng định lại tầm quan trọng của tinh thần chống Covid

Câu 3:

Dàn ý gợi ý:

a) Mở bài

- Giới thiệu tác giả Thanh Hải và bài thơ Mùa xuân nho nhỏ:

+ Thanh Hải là nhà thơ hiện đại Việt Nam trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

+ "Mùa xuân nho nhỏ" là một trong những bài thơ hay viết về mùa xuân, về khát vọng cống hiến cho đời của nhà thơ.

- Khái quát nội dung khổ thơ 4 và 5:

+ Hai khổ thơ 4 và 5 thể hiện rõ nhất ước vọng được hòa nhập hiến dâng cho cuộc đời, cho mùa xuân chung của dân tộc của tác giả.

b) Thân bài

* Khái quát về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được tác giả sáng tác trong khi nằm trên giường bệnh, trước khi mất ít lâu, trong hoàn cảnh đất nước đã thống nhất, đang xây dựng cuộc sống mới nhưng còn vô vàn khó khăn gian khổ, thử thách.

- Nội dung chính: Bài thơ là tiếng lòng, những tâm sự, suy ngẫm, mong ước được dâng hiến một mùa xuân nho nhỏ của tác giả cho mùa xuân vĩ đại của đất nước.

* Phân tích khổ thơ thứ 4: Khát vọng hòa nhập, tự nguyện mang niềm vui đến cho cuộc đời

Ta làm con chim hót,
Ta làm một cành hoa.
Ta nhập vào hoà ca,
Một nốt trầm xao xuyến

- Điệp từ “ta làm” cùng với nhịp thơ dồn dập diễn tả rõ nét khát vọng cống hiến của nhà thơ:

+ muốn làm con chim hót : góp tiếng hót cho cuộc đời

+ muốn làm một cành hoa : góp chút sắc hương cho cuộc sống

-> Ước mong giản dị, đơn sơ để tô điểm cho vườn hoa mùa xuân muôn hương muôn sắc của đất nước.

+ một nốt trầm -> không ồn ào, không cao điệu mà chỉ âm thầm, lặng lẽ “nhập” vào khúc ca, tiếng hát của nhân dân vui mừng đón xuân về.

- Đại từ “ta” dùng để khẳng định đó không chỉ là tâm niệm riêng của cá nhân nhà thơ mà còn là khát vọng chung của nhiều người.

-> Khát vọng sống hoà nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp, dù nhỏ bé, của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước, nguyện hi vinh cho sự phồn vinh của đất nước.

=> Đây là tâm niệm thiết tha của một nhà cách mạng, một nhà thơ đã gắn bó trọn đời với đất nước, quê hương với một khát vọng chân thành và tha thiết.

* Phân tích khổ thơ thứ 5: Ước nguyện cống hiến chân thành không kể tuổi tác

"Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời"

- Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ”: ẩn dụ cho cuộc đời mỗi con người, mỗi sự cống hiến -> Tác giả muốn góp chút công sức nhỏ bé của mình vào mùa xuân lớn của đất nước.

- Từ láy “lặng lẽ”, “nho nhỏ” là cách nói khiêm tốn, chân thành của nhân cách sống cao đẹp khi hướng tới việc góp vào lợi ích chung của dân tộc.

-> Lẽ sống cống hiến lặng lẽ, khiêm tốn của nhà thơ, âm thầm lặng lẽ hiến dâng, chẳng phô trương, không cần ai biết đến.

"Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc."

- Điệp ngữ “dù là” : thái độ tự tin trước những khó khăn trở ngại của đời người

- "tuổi hai mươi", "khi tóc bạc": âm thầm cống hiến bất kể khi tuổi trẻ hay lúc về già.

-> Lời hứa, lời tự nhủ với lương tâm sẽ phải kiên trì, thử thách với thời gian tuổi già, bệnh tật để mãi mãi làm một mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân rộng lớn của quê hương đất nước.

=> Với niềm yêu đời tha thiết, tác giả vượt lên trên hoàn cảnh về bệnh tật mong muốn da diết được sống có ích bằng tất cả sức trẻ của mình. Ý thức về trách nhiệm với quê hương, đất nước, khát vọng được sống, được cống hiến trở thành một ý thức bất diệt trong tâm hồn tác giả.

* Đặc sắc nghệ thuật trong 2 khổ thơ:

- Sử dụng các từ láy, điệp từ hiệu quả

- Hình ảnh đẹp, giản dị

- Ngôn từ chính xác, tinh tế, gợi cảm

- So sánh và ẩn dụ sáng tạo

c) Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung của 2 khổ thơ.

- Cảm nhận của em về 2 khổ thơ.


Bình luận