Kì thi THPT Quốc gia với hình thức thi trắc nghiệm toàn bộ, lượng kiến thức dàn trải, phân bổ đều từ kiến thức lớp 10 đến lớp 12 đòi hỏi các em cần phải nắm chắc toàn bộ kiến thức trong sách giáo khoa. Ngoài ra, các thí sinh cần có một chiến thuật làm bài hợp lý. Sau đây là một số phương pháp làm bài có thể giúp ích cho các thí sinh trong kì thi tới:
1. Đọc đề và bước đầu làm bài thi:
-Sau một quá trình dài học tập và luyện đề thi thì chắc chắn khả năng đọc đề của các thí sinh cũng đã được cải thiện đáng kể. Đây chính là một trong những kỹ năng cực kỳ hữu ích giúp bạn đạt được điểm cao.
- Ngay sau khi được phát đề, các bạn luôn có khoảng thời gian 5 phút để đọc và kiểm tra đề. Đừng vội vã tập trung làm bài ngay. Đây chính là thời điểm để bạn đọc đề và phân loại các loại câu hỏi bài tập. Vào lúc này, điều bạn cần làm là đọc lướt qua toàn bộ đề một lần, các sĩ tử hãy khoanh vùng thành 3 nhóm câu hỏi: lý thuyết, câu bài tập dễ và câu loại khó.
- Làm ngay các câu lí thuyết và các câu bài tập dễ, thí sinh cần làm chắc chắn đúng các câu này tránh trường hợp sai sót, mất điểm gây tiếc nuối. Việc xử lí ngay loại câu hỏi này vừa có thể ăn chắc điểm mà không tốn quá nhiều thời gian. Đặc biệt hơn nó cũng giúp làm giảm căng thẳng khi làm bài thi.
2. Làm nhanh các bài hình học:
-Vì làm bài thi dưới dạng trắc nghiệm nên thí sinh không cần quan tâm đến việc phải trình bày bài làm sao cho khoa học, dễ hiểu mà chỉ cần nhớ là phải làm bài nhanh nhất và chính xác nhất. Vì thế mà bạn nên tính toán ngay ở trên hình có sẵn trong đề bài, hạn chế tối đa về việc viết lách, dùng ký hiệu hay trình bày như tự luận. Với bài hình học, tốt nhất bạn hãy tự tưởng tượng trong đầu và vẽ hình ra nháp nếu cần. Tuy nhiên, hãy dùng bút chì và chỉ nên vẽ bằng tay, đừng bao giờ dùng thước kẻ hay bất kì một dụng cụ học tập nào khác vì không có ai chấm điểm phần trình bày bài làm của bạn cả.
3. Giải quyết bài toán khó:
- Việc cuối cùng của chúng ta đó chính là xử lí các bài toán với mức độ khó hơn. Sau khi làm hết các bài dễ, chúng ta sẽ tập trung phần lớn thời gian còn lại vào các bài khó. Các thí sinh cần lưu ý một điều rằng, số điểm cho mỗi câu là như nhau, bạn không nên “ chôn chân” quá lâu ở một câu hỏi.
4.Phân chia thời gian hợp lý
- Đối với hình thức thi trắc nghiệm khách quan thì một trong những điều khó nhất mà các thí sinh gặp phải là áp lực về thời gian, các thí sinh phải vận dụng cả kiến thức và kĩ năng để tìm ra đáp án trong thời gian khá ngắn.
- Có nhiều quan điểm cho rằng, đối với hình thức thi trắc nghiệm thì bạn chỉ cần nắm chắc được thời gian trong tay nghĩa là bạn chiến thắng. Nhận định này không phải không có lý bởi vì rất nhiều thí sinh thường chọn câu hỏi khó để làm trước và rồi mất quá nhiều thời gian cho câu hỏi đó. Đến mức, khi chuông reo hết giờ thì vẫn còn khá nhiều câu chưa kịp khoanh.
- Vì thế, thời gian hợp lý nên là: 1 phút cho các câu hỏi dễ; 2 phút cho các câu có độ khó ở mức trung bình; khoảng 3 đến 5 phút cho các câu khó đến cực khó.
- Nếu không làm ra được đáp án cho bất kì câu hỏi nào, thí sinh không nên bỏ trống phần đáp án đó mà hãy lựa chọn ngẫu nhiên một đáp án nào đó để tăng khả năng có điểm ở câu hỏi đó.
5.Tận dụng máy tính cầm tay
- Một chiếc máy tính cầm tay Casio là một dụng cụ không thể thiếu mỗi khi làm bài thi các môn khối A nói chung và môn Toán học nói riêng. Nó giúp cho các thí sinh giải nhanh và chính xác một số câu hỏi trong đề thi, đặc biệt là trong các chuyên đề: Nguyên hàm - Tích phân, số phức, Mũ - Logarit...Thậm chí nếu đã thành thạo rồi thì bạn còn có thể bỏ qua bước làm ra giấy nháp. Để tránh trường hợp máy tính bỏ túi của thí sinh gặp vấn đề trục trặc thì bạn nên mang theo 1 chiếc máy tính dự phòng.
Là một người đi trước, đã trải qua bài thi THPT Quốc gia, tôi có một lời khuyên dành cho các thí sinh như sau: không nên “đầu hàng” trước khi hết giờ làm bài mà hãy “chiến đấu” nhiệt tình đến phút thứ 90, chỉ nộp bài khi giám thị yêu cầu. Nên kiểm tra lại các thông tin cá nhân ít nhất một lần trước khi nộp bài. Chúc các bạn thành công.