Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT Nguyễn Ngọc Hà đã giải thích về cơ sở lựa chọn các môn thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Theo đó, 11 môn đưa vào dự thảo gồm có môn ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Nga) và 10 môn học được đánh giá bằng điểm số: ngữ văn, toán, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Đây là những môn thi thể hiện năng lực đặc thù, liên quan trực tiếp tới định hướng nghề của học sinh.
Trong 11 môn trên, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về môn bắt buộc và môn tự chọn.
Ông Nguyễn Ngọc Hà khẳng định phương án thi như thế nào tác động rất lớn đến cả triệu thí sinh, đến định hướng nghề tương lai của các em nên rất cần thận trọng. Phương án thi cũng cần đảm bảo tính khả thi, có thể triển khai trên các điều kiện thực tế về quy mô, thời gian, nhân lực, cơ sở vật chất.
Ông Nguyễn Ngọc Hà dẫn chứng hai môn âm nhạc và mỹ thuật. Đây là hai môn học đánh giá bằng nhận xét, khó thực hiện trên giấy, do đó không có mặt trong danh sách các môn thi trong dự thảo.
Ông Nguyễn Ngọc Hà cũng nhấn mạnh, rất khó để đánh giá đầy đủ 5 phẩm chất và 10 năng lực ở học sinh theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bằng một kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Về định dạng đề thi, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết đề thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ kế thừa định dạng cũ, đồng thời có sự thay đổi phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực học sinh theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bộ đang nghiên cứu các dạng thức đánh giá mới, như kết hợp hài hòa giữa phương thức trắc nghiệm 4 phương án - 1 phương án đúng với phương thức trắc nghiệm 4 phương án đúng - sai và câu hỏi mở.
"Phương thức đánh giá cũng cần thực tế, tiết kiệm. Ví dụ có phương thức đánh giá rất hay nhưng tăng từ 4 trang giấy lên 10 trang giấy thi thì cũng không được. Vì tăng 1 tờ giấy thi trên 1 triệu thí sinh là 1 triệu tờ", Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, phân tích.
Ông Nguyễn Ngọc Hà cũng cho biết, trong tháng 10-11 sẽ có định dạng đề thi tốt nghiệp THPT 2025, sau đó tiến hành thử nghiệm trên một số địa phương.
Để chuẩn bị cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, Bộ GD&ĐT chủ trương đào tạo bồi dưỡng nhóm chuyên gia cốt lõi lấy từ đội ngũ giáo viên ở các địa phương. Bộ dự kiến mời chuyên gia khảo thí Hoa kỳ cùng các chuyên gia trong nước tham gia công tác bồi dưỡng này. 63 Sở GD&ĐT sẽ có ít nhất 2 chuyên gia/môn thi được đào tạo.
Với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 - kỳ thi cuối cùng thực hiện theo phương thức cũ, Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023. Tuy nhiên, kỳ thi sẽ có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật để khắc phục các hạn chế bất cập của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.